Văn Bản Pháp Luật - Luật Đất đai sửa đổi: Tập trung bỏ những bất hợp lý
Bạn đang xem tin tức "Văn Bản Pháp Luật - Luật Đất đai sửa đổi: Tập trung bỏ những bất hợp lý" được tổng hợp và đăng tải tại MLAND.COM
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai Lê Thanh Khuyến cho biết những điểm mới trong Luật Đất đai sửa đổi lần này là giá đất có những điểm đổi mới, định giá đất theo mục đích sử dụng tại thời điểm thu hồi đất, giao cho thuê đất…
Chính phủ quy định khung giá đất xây dựng 5 năm 1 lần. Khi giá đất tăng hoặc giảm 20% liên tục 180 ngày sẽ báo cáo Chính phủ điều chỉnh bảng giá đất giáp ranh.
Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh (TPHCM), cho biết nhiều dự án có quyết định thu hồi đất từ lâu, thậm chí nhiều dự án từ năm 1996, nếu triển khai tại thời điểm này lấy giá bồi thường tại thời điểm thu hồi thì không thực hiện được.
Điều này rất khó khăn cho chính quyền địa phương khi triển khai dự án. Có ý kiến đề nghị nên để Nhà nước đứng ra thu hồi, 1 giá 1 chính sách, sau đó Nhà nước đấu giá, lợi nhuận thực hiện cho xã hội hoặc chia lại cho người dân bị mất đất.
Không nên có 2 chính sách bồi thường giữa dự án công và dự án tư. Trường hợp ngân sách nhà nước gặp khó khăn sẽ yêu cầu chủ đầu tư ứng trước đối với những dự án nằm ngoài ngân sách.
Việc bồi thường thu hồi đất khi triển khai các dự án còn nhiều bất cập phải sửa đổi. |
Ông Hoàng Cường, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, cho biết hiện nay quy định hỗ trợ bằng tiền từ 1,5-5 lần giá đất nông nghiệp là chưa cụ thể khiến gia tăng khiếu kiện. Vì vậy, nên quy định cụ thể bồi thường đất nông nghiệp ở đô thị là 5 lần, ở nông thôn là 2,5 lần. “Không thẩm định giá mà áp theo giá nhà nước là không ổn.
Nhiều quy định hiện hành cũng không còn phù hợp. Thí dụ giá nhà hiện nay theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng là 2,1-2,6 triệu đồng/m2, nhưng thực tế giá xây dựng nhà cấp 4 bình thường đã 4-5 triệu đồng/m2. Nên có cơ chế thẩm định giá nhà để làm căn cứ bồi thường.
Người dân khi bị thu hồi đất đã thiệt thòi, lại còn quy định chi phí cưỡng chế người dân chịu, trong khi một đoàn cưỡng chế cả 100 người, mỗi người 50.000 đồng. Đề nghị nên tính chi phí cưỡng chế vào ngân sách của nhà đầu tư” - ông Cường nói.
Tương tự, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Văn Hồng, cho rằng việc quản lý nhà nước về giá đất, chính sách về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư còn nhiều bất cập. Bảng giá đất công bố của các địa phương chỉ bằng 30-60% so với giá thị trường.
Chính vì vậy, khi được áp dụng để tính toán nghĩa vụ tài chính về sử dụng đất đai đã gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, nếu dùng mức giá này để tính toán giá bồi thường, người bị thu hồi đất lại không đồng ý, phát sinh khiếu kiện và ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng. Để hạn chế tình trạng trên, bảng giá đất nay chỉ được dùng để tính thuế, phí. Khi tiến hành bồi thường sẽ phải căn cứ vào từng loại đất đang sử dụng.
- Theo Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính